Thu nhập cao từ trồng nấm
Chị Đồng Thị Thu Phương, ở khu 9 là một trong những hội viên nông dân vượt khó làm giàu tiêu biểu ở Đồng Trung. Vốn sinh ra ở vùng đất thuần nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, một mình nuôi ba con ăn học, sớm chiều lam lũ với bốn sào đất trồng lúa, ngô và chăn nuôi lợn song vẫn thiếu trước, hụt sau nên năm 2013 chị đã chuyển hướng sang trồng nấm sò, mộc nhĩ. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chị chỉ trồng 5.000 bịch trên diện tích 300m 2 , vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Sau khi nắm vững quy trình sản xuất, chị dồn điền đổi thửa, mua thêm đất ruộng của các hộ dân xung quanh, san lấp mặt bằng, mở rộng diện tích lên hơn 3.000m 2 , mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như lò hơi, nồi hấp, lắp đặt hệ thống làm ẩm… nâng công suất lên năm vạn, đến nay là 15 vạn bịch nấm, cho thu nhập trên một tỉ đồng/năm.
Chị Thu Phương chia sẻ: Tôi bắt đầu trồng từ khi nấm còn rất xa lạ với người dân trong xã, do đó đã phải đi nhiều nơi để quan sát, học hỏi kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu mùn cưa, đóng bịch, hấp, cấy giống đến chăm sóc, thu hoạch. Tôi còn về Viện Di truyền nông nghiệp mua phôi giống, học chuyển giao quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất, nhờ đó đã thành công, làm chủ được công nghệ trồng nấm sạch.
Hiện nay cơ sở sản xuất nấm của chị Phương luôn duy trì hai sản phẩm chính là nấm sò và mộc nhĩ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 25 tấn thành phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 18- 20 lao động với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Phương, trồng nấm không khó song phải đảm bảo tuyệt đối vô trùng từ khâu cấy giống tới khâu chăm sóc để tránh nhiễm bệnh. Trong phòng cấy trồng phải có đồng hồ để theo dõi nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Nấm sò sản xuất quanh năm, mộc nhĩ sản xuất từ tháng 7 đến tháng 12. Khi đã sinh trưởng đủ lớn, đạt dinh dưỡng cao, nấm được thu hoạch, đóng gói mang đi tiêu thụ. Hiện sản phẩm nấm của chị đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản xuất đến đâu thương lái thu mua hết đó. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Phương còn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các hội viên nông dân khác. Chị mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, mở rộng nhà xưởng, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay…
Triệu phú trẻ dám nghĩ, dám làm
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, chàng thanh niên trẻ Lê Hoàng Hải ở khu 11, xã Đồng Trung trải qua nhiều nghề, đi làm nhiều nơi để kiếm sống. Trong lần đến thăm quan một cơ sản xuất đông trùng hạ thảo, anh nhận thấy tiềm năng của loại dược liệu quý này rất lớn, có thể áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình. Từ ý tưởng sản xuất đông trùng hạ thảo nhân tạo, ứng dụng công nghệ sinh học, anh đã bỏ công tìm hiểu thông tin, cách thức thực hiện thông qua báo, đài, mạng internet. Năm 2019, anh Hải bàn với gia đình vay mượn tiền xây dựng phòng nuôi đông trùng hạ thảo, mua nồi hấp, chai, lọ, máy móc và các dụng cụ phục vụ sản xuất. Để thành công, anh Lê Hoàng Hải đã về Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhập nguồn giống, học chuyển giao công nghệ từ các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nuôi cấy vi sinh.
Đến nay mô hình nuôi đông trùng hạ thảo quy mô 1.000 lọ/lứa theo quy trình khép kín của anh Hải đã mang lại tỉ lệ thành công đạt trên 90%. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: Từ xưa đến nay, nấm đông trùng hạ thảo được xem là một loại dược liệu quý hiếm, cùng với nhân sâm, linh chi, tam thất tạo thành bộ tứ thần dược mang lại sức khỏe cường thịnh cho con người. Do đó, để sản xuất đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt, tôi sử dụng cơ chất tổng hợp làm từ gạo lứt đỏ, khoai tây, nhộng tằm và các a xít a min… trộn đều, nghiền nhỏ, đưa vào nồi hấp, sau đó làm nguội, cấy giống và duy trì độ ẩm 80- 95% trong phòng nuôi. Từ khi cấy phôi giống đến khi thu hoạch phải trải qua nhiều công đoạn chăm sóc công phu và điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng phù hợp, sau 65-70 ngày thì cho thu hoạch.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài đông trùng hạ thảo tươi, anh Hải còn đầu tư mua máy sấy lạnh chế biến đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo…. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hiện sản phẩm đông trùng hạ thảo có giá bán 25 triệu đồng/kg khô, rẻ hơn so với giá nhập khẩu nên khách hàng tìm đến ngày càng nhiều, trừ chi phí mang lại thu nhập cho gia đình 350- 400 triệu đồng/năm. Thấy thị trường đang rất tiềm năng, nên anh Hải vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất theo quy mô công nghiệp trên diện tích 500m2, nhằm hướng tới xuất khẩu các sản phẩm đông trùng hạ thảo.
Đặc biệt, thời gian qua, các sản phẩm: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô, mật ong đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng hạ thảo của gia đình anh Lê Hoàng Hải đã được huyện Thanh Thuỷ, xã Đồng Trung khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện các bước để đề nghị UBND tỉnh sớm công nhận sản phẩm OCOP. Với cách làm giàu của mình, tin tưởng anh Lê Hoàng Hải sẽ gặt hái được nhiều thành công, đặt nền móng vững chắc những người trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm.
Nguồn: Baophutho.vn