Lịch sử hình thành và phát triển
Đền Lăng Sương - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
1. Giới thiệu chung
Xã Đồng Trung được thành lập từ 01/01/2020 theo Nghị quyết số 828 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (xã Đồng Trung ngày nay gồm: Đồng Luận, Trung Nghĩa và Trung Thịnh trước đó); có diện tích đất tự nhiên là 16,571 km2, dân số hơn 12.600 người. Địa giới hành chính: Phía Bắc giáp với xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy; Phía Nam giáp với xã Tu Vũ ), huyện Thanh Thủy (xã thành lập mới từ việc sáp nhập 03 đơn vị gồm: Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao trước đó); Phía Đông giáp xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; Phía Tây giáp với xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy và xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn.
Xã Đồng Trung là xã có điều kiện về tự nhiên tốt và giao thông rất thuận lợi do có cây cầu Đồng Quang kết nối huyện Thanh Thủy, Phú Thọ và các tỉnh phía Tây với thủ đô Hà Nội, nhân dân cần cù, chịu khó. Đồng Trung còn được biết đến nhiều bởi ở đây có ngôi đền Lăng Sương - nơi thờ gốc và duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình Tản Viên Sơn thánh - Người được gọi là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, “Đệ nhất phúc thần”, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt. Đền Lăng Sương từ lâu đã trở thành một điểm đến tâm linh trong quần thể văn hóa Hùng Vương, địa chỉ hấp dẫn trong tour du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Đảng bộ có 719 đảng viên sinh hoạt tại 26 chi bộ, trong đó: Có 17 chi bộ khu dân cư, 08 chi bộ trường học, 01chi bộ công an. Địa phương có vị trí thuận lợi để phát triển nông nghiệp, có đủ các điều kiện để ứng dụng các cây trồng mang tính chất hàng hóa nhằm cung cấp cho thị trường. Đồng thời, địa phương có lợi thế là cửa ngõ lưu thông với Hà Nội nhằm thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa, thúc đẩy thương mại – dịch vụ và du lịch. Địa phương nằm trong cụm công nghiệp từng bước thu hút đầu tư và tạo việc làm thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước phát triển ngành nghề dịch vụ, giao lưu thương mại là điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội.
2. Định hướng phát triển kinh tế xã hội
- Từng bước quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên phát triển các cây, con có lợi thế, giá trị kinh tế cao (rau, củ, quả sạch) để đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như hỗ trợ tích cực cho mục tiêu phát triển du lịch của huyện. Tiếp tục khai thác, phát huy thế mạnh về kinh tế vườn đồi, mở rộng phát triển các loại hình trang trại, gia trại; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Làng nghề nuôi trồng và chế biến nấm, mộc nhĩ
- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh họat động sản xuất kinh doanh, phát triển các làng nghề; thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn.
- Duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử trên địa bàn, đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia đền Lăng Sương…