Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu.
Đi trước, đón đầu
Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định “Phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Từ đó, nâng tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ năm 2017, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 được triển khai, áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP Cơ khí đúc Việt Nam (KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì). Sau 5 năm, việc tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh và được chứng nhận theo ISO 9001:2015 đã mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hệ thống ISO 9001:2015 hoạt động trên cơ sở tự động hóa quy trình quản lý của doanh nghiệp, hỗ trợ trong việc đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí đúc Việt Nam cho biết: “Trước đây, với những đơn hàng xuất khẩu có nhiều chi tiết khó, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, doanh nghiệp làm thủ công nên chất lượng còn kém. Từ khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Doanh nghiệp nay đã tự tin làm những đơn hàng khó để xuất khẩu”.
Bên cạnh việc trang bị hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, cải tiến kỹ thuật cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Từ đầu năm 2020, Công ty TNHH Phú Đạt Việt Nam (KCN Thụy Vân, thành Phố Việt Trì) đã đổi mới dây chuyền sản xuất máy kéo sợi PPPE. Trên nền tảng công nghệ đã có, dây chuyền có sự cải tiến hệ thống thay lưới, trộn tự động tạo ra thành phẩm hình thức mẫu mã đẹp, tỉ lệ phế liệu ít và khối lượng tăng lên. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Kế toán trưởng Công Ty TNHH Phú Đạt Việt Nam cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí nhân công, doanh nghiệp đã có sự đầu tư cải tiến về kỹ thuật sản xuất. Theo đó, dây chuyền mới sẽ cho công suất cao hơn 30%”.